TOP 3 NGÔI CHÙA KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO NGAY GẦN HÀ NỘI MÀ KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT???
- Người viết: TRẦN THỊ THANH HUYỀN lúc
- Tiệm Kể Bạn Nghe
Với nền văn hóa phong phú và đa dạng, những ngôi chùa miền Bắc luôn là điểm đến hấp dẫn của không ít khách du lịch yêu thích sự tĩnh lặng và linh thiêng. Hãy cùng khám phá top 3 những ngôi chùa đẹp nhất miền Bắc, nhất định phải ghé thăm khi đi du lịch miền Bắc nhé!
1. Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An.
Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút rất đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà Chúa Thượng Ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.
2. Chùa Tam Chúc
Tam Chúc là một quần thể du lịch quốc gia, ở đây có chùa Tam Chúc được nhiều báo chí Việt Nam coi là chùa lớn nhất thế giới. Toàn khu vực rộng 5.100 ha, bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng mới gắn với hồ Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Từ thành phố Phủ Lý, theo đường quốc lộ 21 đi khoảng 12 km thì đến hồ Tam Chúc với diện tích tới 545 ha. Xuất phát từ Hà Nội đi Quốc lộ 1 hoặc theo tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính (hiện được nâng cấp thành quốc lộ 21C) đến khu du lịch khoảng 60 km, cách chùa Hương khoảng 8 km.
Lễ hội chùa Tam Chúc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trong đó, nghi thức quan trọng là rước nước từ hồ Tam Chúc dâng lên ban thờ chính của Chùa Ngọc Tam Chúc. Nước được lấy ở nơi sâu nhất giữa lòng hồ, nơi có nguồn nước tinh khiết, thanh sạch. Trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ diễn ra nghi thức múa rồng trên sông, cầu quốc thái dân an.
Ngoài ra, khi đến với với chùa Tam Chúc những ngày đầu năm, du khách sẽ còn được tham gia vào các trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật, tham quan các gian hàng truyền thống, làng nghề cổ truyền. Lễ hội thu hút hàng ngàn du khách thập phương về chiêm bái, cầu may.
Chùa Tam Chúc có diện tích rất rộng nên để tham gia lễ hội cũng như tham quan tại đây, du khách nên dành ra ít nhất 1 ngày. Chuyến tham quan của du khách sẽ đi theo trục Thần điện như sau:
Công trình kiến trúc chùa Tam Chúc từ cổng Tam Quan vào sẽ có các công trình: Vườn Kinh – Điện Quan Âm – Điện Pháp Chủ. Các hoạt động chính của lễ hội chủ yếu sẽ diễn ra ở những khu vực này. Sau điện Pháp Chủ là điện Tam Thế với diện tích lên đến 5.100 m², sức chứa lên đến hơn 5000 người.
Bên trong điện có đặt 3 bức tượng Phật lớn làm bằng đồng đại diện cho Quá khứ - Hiện tại - Vị lai. Trọng lượng của mỗi bức tượng lên đến hơn 80 tấn. Sau lưng mỗi bức tượng là một cánh sen được dát vàng vô cùng đẹp mắt.
Sau Điện Tam Bảo, du khách sẽ leo 300 bậc thang để lên thăm viếng chùa Ngọc (Đàn Tế Trời). Đây cũng chính là ngôi chùa cao nhất ở khu vực chính điện, với chiều cao lên đến hơn 468 m. Chùa xây dựng nên bởi đá granite đỏ, do 200 nghệ nhân tài giỏi của Ấn Độ thiết kế, thi công trong hơn 1 năm. Khi đến tham gia lễ hội chùa Tam Chúc, du khách đừng quên tham quan các công trình khác như Đình Tam Chúc, vườn cây, hồ cá, phòng họp quốc tế…
3. Chùa Hương
Chùa Hương (cách gọi dân gian) hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo của Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, các ngôi đền thờ Thần và các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đình đền chùa này là chùa Hương (tức chùa Trong) nằm trong động Hương Tích ở hữu ngạn sông Đáy, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức - Hà Nội. Quần thể Hương Sơn là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam và là di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định 2082/QĐ-TTg năm 2017.
Ngày mồng 6 tháng Giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch. Vào dịp lễ hàng triệu Phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành.
Đỉnh cao của lễ hội là từ sau Tết Nguyên Đán đến tháng Hai Âm lịch. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút.
Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên ban thờ. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt.
Về phần lễ có nghiêng về "thiền". Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị Sơn Thần thượng đẳng với đủ màu sắc của Đạo giáo. Đền Cửa Võng là "chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ Ngũ Hổ và tín ngưỡng các Thần.
Như vậy, phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà người soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.
Các ngôi chùa tại miền Bắc đều mang trong mình một vẻ đẹp và giá trị tâm linh riêng, cùng với những câu chuyện lịch sử và kiến trúc đặc sắc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn những địa điểm du lịch tâm linh thú vị và có giá trị nhất khi đến với vùng đất Bắc Bộ!