10 VỊ ĐẠI ĐỆ TỬ CỦA ĐỨC PHẬT
- Người viết: TRẦN THỊ THANH HUYỀN lúc
- Tiệm Kể Bạn Nghe
10 vị đại đệ tử của Đức Phật
Trong suốt 45 năm giáo hóa, từ Thành đạo cho đến Niết Bàn, Đức Phật quy tụ xung quanh hào quang của Ngài một số đệ tử cả xuất gia lẫn tại gia. Trong số này, những bậc xuất sắc ưu tú, chứng được thánh quả A La Hán gồm có 1250 vị. Đặc biệt có 10 vị kiệt xuất nhất được mệnh danh là Thập Đại Đệ tử, mỗi vị đều có sở trường riêng, sở chứng riêng và đạo hạnh riêng.
Họ là:
1. Tôn giả Xá Lợi Phất Sariputra - Sariputta
2. Tôn giả Mục Kiền Liên Maudgalyayana - Moggallana
3. Tôn giả Ma Ha Ca Diếp Mahakasyapa - Mahakassapa
4. Tôn giả A Nậu Đà La Aniruddha - Anuruddha
5. Tôn giả Tu Bồ Đề Subhuti
6. Tôn giả Phú Lâu Na Purna - Punna
7. Tôn giả Ca Chiên Diên Katyayana - Kaccayana, Kaccana
8. Tôn giả Ưu Ba Ly Upali
9. Tôn giả A Nan Đà Ananda
10. Tôn giả La Hầu La Rahula
1. Tôn giả XÁ LỢI PHẤT (Sariputra – Sariputta): Trí tuệ đệ nhất
Tôn giả Xá Lợi Phất vốn tên là Ưu Bà Để Sa, tên đầy đủ là Xá Lợi Phất Đa La, là con trong một gia đình danh giá Bà La Môn ở vùng Upatissa. Thuở nhỏ, Ngài nhận được sự giáo dục của phụ thân bác học đa tài và mẫu thân hiền minh, do đó Ngài tinh thông bách khoa kỹ nghệ. Ngài cùng người bạn là Câu Luật Đà (tức Mục Kiền Liên) có rất nhiều đệ tử và có thanh thế khá lớn. Một ngày, Ngài gặp tỳ kheo Mã Thắng, được biết đến danh của Đức Phật Thích Ca, lập tức vô cùng ngưỡng mộ, liền dẫn trên 350 đệ tử đến Tịnh xá Trúc Lâm quy y Đức Phật, thọ giới cụ túc.
Ngài được xem là trưởng tử của đức Phật, là chấp pháp tướng quân, thường giảng dạy đồ chúng thay cho đức Phật và hướng dẫn cho nhiều vị đắc quả A La Hán. Ngài luôn luôn tỏ ra khiêm tốn, tận tụy, nhiệt tình, được chư tăng thán phục và được Đức Phật khen là Trí tuệ bậc nhất. Ngài đắc quả A La Hán 4 tuần sau khi xin gia nhập giáo đoàn.
Xá Lợi Phất nhập diệt trước Đức Phật. Khi Ngài cảm thấy thời gian nhập niết bàn của mình đã đến gần, bèn quay về cố hương, an tọa trong phòng, thanh tâm tĩnh trí. Tương truyền sau này Ngài được danh hiệu Hóa Quang Phật, và lại đến nhân gian để làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh.
2. Tôn giả MỤC KlỀN LIÊN (Maudgalyayana – Moggallana): Thần thông đệ nhất
Thế gian thường gọi Ngài là Tôn giả Mục Liên, dịch nghĩa là Đại Tán Tụng, hoặc Đại Hồ Đậu. Mục Liên vốn tên là Câu Luật Đà, sinh ra ở thôn Câu Luật Đà phía bắc thành Vương Xá. Phụ thân là quốc sư của vương gia, mẫu thân Ngài mang họ Thái Thúc. Từ nhỏ Ngài đã rất thân với Xá Lợi Phất, đã quyết tâm rời thế tục để tu Đạo.
Ngài theo Tôn giả Xá Lợi Phất quy y Phật và sau 7 ngày đắc quả A La Hán, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Phật trong định, khi Ngài đang sống độc cư trong rừng. Ngài được Đức Phật khen và đại chúng công nhận là Thần thông bậc nhất. Ngài đã nhiều lần thi triển thần thông như phương tiện để giáo hóa cứu độ mọi người.
Ngài cùng với Xá Lợi Phất điều hành và hướng dẫn Tăng chúng, cũng như độ cho nhiều người chứng đắc Thánh quả. về sau, Ngài bị phái Ni Kiền Tử hãm hại bằng cách lăn đá làm Ngài bị tử thương. Đức Phật xác nhận Ngài Mục Kiền Liên đã nhập niết bàn ngay tại chỗ thọ nạn, nơi Ngài bỏ thân tứ đại.
3. Tôn giả MA HA CA DIẾP (Mahakasyapa - Mahakassapa): Đầu Đà đệ nhất
Tên đầy đủ của Ngài là Ma Ha Ca Diếp Bà, sinh ở làng Ma Ha Bà La, gần thành Vương Xá, miền trung Ấn Độ. Đứa trẻ này sinh ra có 32 tướng tốt, mỗi hành vi cử chỉ đều khác người bình thường. Năm 8 tuổi, cậu bé thọ giới Bà La Môn. Sau đó nhanh chóng tinh thông những huyền diệu trong pháp môn.
Một ngày, nghe đến danh tiếng của Phật Thích Ca, Ngài liền tìm đến gia nhập tăng đoàn. Ngài được Đức Thế Tôn nhiếp hóa trước hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, lại là người biết đủ, ít ham muốn, chuyên tâm tu hành, do đó được xưng là Đầu đà đệ nhất. Sau khi xuất gia tu hạnh đầu đà trong 8 ngày liền, Ngài đắc quả A La Hán. Ngài tinh thông con đường thiền định, nêu gương sáng cho chúng Tăng về các hạnh: “Ít muốn, biết đủ, tinh tân, viễn ly”. Ngài thường độc cư trong rừng dù tuổi đã cao.
Khi Đức Thế Tôn nhập diệt, đúng lúc Ngài đi vân du ở phương bắc xa xôi. Sau khi được báo tin buồn này, Ngài lập tức đi suốt ngày đêm.
4. Tôn giả A NA LUẬT (Aniruddha – Anuruddha): Thiên nhãn đệ nhất
A Na Luật còn có tên là A Ni Lô Đà, là con trai của vua Bạch Phạn, và là em họ của Đức Phật Thích Ca. Ngài thiên chất thông minh mẫn tiệp, khi còn thiếu niên, người ta đã biết Ngài ắt sẽ trở thành bậc đại tài. Ở thành Ca Tỳ La Vệ, sau khi được nghe Đức Phật giáo hóa liền phát tâm xuất gia tu Đạo, khẩn thiết yêu cầu Đức Phật đồng ý cho gia nhập hàng ngũ đệ tử.
Trong tăng chúng, Ngài nổi tiếng là bậc tu hành rất thanh tịnh, không bao giờ bị nữ sắc cám dỗ, vì vậy được mọi người kính ngưỡng. Duy có một tật nhỏ là tật ưa ngủ gục mỗi khi ngồi nghe Phật thuyết pháp, từng bị Phật quở trách đôi ba phen. Từ đó Ngài lập hạnh “không ngủ” từ đầu hôm đến suốt sáng, từ tản sáng đến chiều đêm, Ngài ngồi mở to đôi mắt nhìn vào khoảng không, không chớp mắt, cho đến một hôm thì hai mắt sưng vù rồi bị mù loà.
Chính đức Phật cầm tay chỉ dạy giúp Ngài may áo và dạy phương pháp tu định để khiến mắt sáng ra, Ngài thực hành một cách triệt để nên được sáng mắt trở lại và chứng được Thiên nhãn thông, bất quản xa gần, bất luận trong ngoài, mắt Ngài đều thấy suốt. Phật dùng chánh pháp phương tiện dạy cho Ngài thể nhập tánh thây viên dung, không lệ thuộc vào nhãn căn. Ngài chứng đắc pháp này và thấy ba cõi như một quả Amla được cầm trên tay, được Phật ấn chứng là Thiên nhãn đệ nhất.
Khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài đứng túc trực trước linh sàng, và tham gia đại nghiệp tập kết kinh điển lần thứ nhất. Công lao của Ngài rất lớn.
5. Tôn giả TU BỒ ĐỀ (Subhuti): Giải Không đệ nhất
Tôn giả Tu Bồ Đề sinh ra ở thành Xá Vệ, là em trai của Trưởng lão Cấp Cô Độc, là con trai của Trưởng giả Tu Ma Na. Lúc Ngài mới sanh, trong gia đình Ngài toàn hiện ra những triệu chứng “không”. Các đồ vật trong nhà, từ kho lẫm, lu vãi... mọi vật biến đâu mất cả, chỉ thuần tịnh một mùi hương chiên đàn và hào quang sáng soi chấn động cả ba cõi, không thấy đâu là tường vách giới hạn. Hỏi về ý nghĩa điềm lạ này thì được thầy tướng bảo rằng đó là điều cực lành. Rồi nhân vì điềm “không” ấy, nên cha mẹ Ngài mới đặt tên cho Ngài là Tu Bồ Đề, nghĩa là Không Sanh. Lại cũng có nghĩa là Thiện Cát (tốt lành) hay Thiện Hiện (hiện điềm tốt).
Ngài xuất gia tu Đạo, khởi tâm từ bi, nhập vô tranh tam muội, thường hành thiện nghiệp, do đó có tên là Thiện Nghiệp. Sau này Ngài lập chí quy y cửa Phật, thường thích nhập không định, trở thành 1 trong 10 đại đệ tử của Đức Phật, nổi tiếng là Giải không đệ nhất. Giáo lý Bát Nhã coi Ngài là sư tổ.
6. Tôn Giả PHÚ LÂU NA (Purna – Punna): Thuyết pháp đệ nhất
Tôn giả Phú Lâu Na vốn được gọi là "Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử". Phú Lâu Na chỉ là tiếng gọi tắt. Danh hiệu Ngài dài như thế chính là biểu hiện cho Tôn giả khi thuyết pháp cũng tràng mãn vô cùng. Ngài sinh ra ở làng La Na Bạt Đa ngoại ô thành Ca Tỳ La Vệ, là con trai của trưởng giả thành Ca Tỳ La, là cháu của A Nhược Kiều Trần Như. Phụ thân của Ngài là quốc sư của vua Tịnh Phạn, nổi danh bậc nhất.
Phú Lâu Na khi còn niên thiếu bị anh trai coi thường, bị bán cho thương gia ti tiện nhất. Hàng ngày, ngoài việc nỗ lực làm việc ra, Ngài còn thành tâm thờ Phật Đà, không tiếc đem hết tài sản ra để xây dựng Tịnh xá, phát nguyện quy y Phật.
Ngài cực kỳ hiếu học, do giỏi biện luận, thuyết Pháp khéo léo, nổi tiếng là Thuyết pháp đệ nhất. Đức Phật thường ngợi khen biện tài ngôn luận của Tôn giả trước đại chúng. Sau này ở nước Thâu Lư Na, Ngài thu nhận 500 đệ tử và xây dựng 500 tu viện, dốc sức hoằng dương Phật pháp.
7. Tôn giả CA CHIÊN DIÊN (Katyayana - Kaccayana, Kaccana): Luận Nghị đệ nhất
Ma Ha Ca Chiên Diên là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Văn Sức, cũng gọi là Hảo Kiên. Ngài vốn tên là Na La Đà, là con trai của trưởng giả của thực ấp A Bàn Đề Di Hầu. Phụ thân Ngài là luận sư Vệ Đà học, Ngài kế thừa huyết thống của phụ thân, trở thành một vị Trưởng giả hiền minh.
Khi Đức Phật Thích Ca đản sinh, vua Tịnh Phạn mời Tiên nhân A Tư Đà ở núi Tần Đà vào cung, để xem bói cho Thái tử mới chào đời. Vị Tiên nhân này chính là người cậu của Ca Chiên Diên. Ca Chiên Diên từ nhỏ đã ở nhà người cậu, học tập Đạo thuật tứ thiền ngũ thông. Sau này Ngài đến Lộc Dã Uyển quy y Đức Phật. Sau khi đắc Đạo, Ngài chuyên hoằng dương Phật pháp ở làng quê, được tôn làm ông tổ của Ba Li Văn Điển.
Sau khi trở thành thành viên trong giáo đoàn của Đức Phật Thích Ca, Ngài càng hiển hiện tài năng xuất chúng, được ca ngợi là Nghị luận đệ nhất, được mọi người cực kỳ tôn trọng. Ngài có biệt tài dùng lời nói rất đơn giản khiến những ai vấn nạn Ngài đều phải thần phục. Trong suốt cuộc đời hành hoá, nhờ tài nghị luận xảo diệu, Ngài đã cảm hoá được rất nhiều người, khiến họ tỉnh ngộ trở về với Tam bảo, sống một đời sống thanh thản an vui.
8. Tôn giả ƯU BA LY (Upali): Trì giới đệ nhất
Ưu Bà Ly là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Cận Thủ, hoặc Cận Chấp. Ngài xuất thân thuộc giai cấp nô lệ Thủ Đà La, là dân tộc bị coi là thấp kém nhất ở Ấn Độ thời đó. Ban đầu, Ngài làm thợ cắt tóc của thành Vương Xá, nhưng bản tính cực kỳ trung thực, lại nhiệt tâm làm việc, nên được các quan và hoàng gia cung đình tín nhiệm.
Ngày Đức Phật về thăm Ca Tỳ La lần đầu tiên và chấp thuận cho các vương tử xuất gia, Ưu Ba Ly tủi hổ cho phận mình sinh ra trong chốn hạ tiện, ở thế gian làm thân nô lệ đã đành, muốn lìa thế gian đi tu cũng không được phép. Ngài là người nô lệ đầu tiên được Phật cho xuất gia, thu nhận vào tăng đoàn.
Xuất gia tu thiền sau một thời gian ngắn Ngài chứng quả A La Hán. Sau này, do tinh thông giới luật, đã giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải cho tăng đoàn, nên được đứng hàng ngũ đứng đầu tăng đoàn, được ca ngợi là Trì giới đệ nhất, được giao việc xử lý và tuyên luật.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, sự nghiệp tập kết Phật điển bắt đầu, Ngài đảm đương công việc khó nhất là về phương diện Luật tạng. Với tri thức và tài năng xuất chúng, không ngừng nghỉ, Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ gian nan này.
9. Tôn giả A NAN ĐÀ (Ananda): Đa Văn đệ nhất
Tôn giả A Nan Đà, cũng gọi là A Nan, hoặc Nan Đà, sinh ở thành Ca Tỳ La Vệ, là em trai của Bà Đạt Đa. Ngài là con trai của Cam Lộ Phạn Vương, và là em họ của Đức Phật Thích Ca.
Thuở nhỏ, Ngài theo học Thập Lực Ca Diếp, dựa theo lời trung của Bạt Kỳ Tử mà đắc Đạo. Khi Đức Phật Thích Ca 55 tuổi thì Ngài bắt đầu bước vào Phật môn, phụng sự Đức Phật trong thời gian dài 25 năm. Ngài là vị tỳ kheo đệ nhất về 5 phương diện: Đa văn, cảnh giác, sức khỏe đi bộ, lòng kiên trì và hầu hạ chu đáo.
Tôn giả A Nan vốn học rộng, có trí nhớ tốt, nghe 1 biết 10, do đó được gọi là Đa văn đệ nhất. Trong đại sự tập kết kinh điển, đại bộ phận kinh văn đều dựa vào trí nhớ của Ngài mà được truyền miệng. Ngài thiên tính từ bi ôn hòa, dung mạo tuấn tú, được phụ nữ rất ái mộ, cũng vì thế mà Ngài liên tiếp gặp tai họa nạn nữ nhân.
Khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả A Nan và A Miện Lâu Đà túc trực ở bên, chuyên tâm chăm sóc. 20 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả A Nan thấy Đại Ca Diếp đã thị tịch ở núi Kê Túc, bắt đầu cảm nhận thời gian ra đi của mình cũng đã đến gần. Ngài bèn triệu tập 500 tỳ kheo đến bên bờ sông Hằng, đưa ra lời dạy bảo cuối cùng, rồi Ngài ung dung viên tịch ở tuổi 120. Di cốt của Ngài được mai táng ở bên Tịnh xá Trúc Lâm ở thành Vương Xá.
10. Tôn giả LA HẦU LA (Rahula): Mật hạnh đệ nhất
La Hầu La là con trai của Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca sau này), mẫu thân là công chúa Da Du Đà La. Tương truyền khi Ngài ở trong bụng mẫu thân những 6 năm, nên đặt tên là La Hầu La. La Hầu La dịch nghĩa là Phúc Chướng, Liêu Tỏa. Có thuyết rằng, ngày La Hầu La ra đời, đúng vào ngày nhật thực, do đó đặt tên này.
3 năm sau khi Thái tử Tất Đạt Đa thành đạo, Ngài cho Xá Lợi Phất và Mục Liên thúc giục La Hầu La xuất gia. La Hầu La bái Xá Lợi Phất làm thầy và gia nhập tăng đoàn. Được Phật và Xá Lợi Phất từ mẫn giáo hoá, tập khí cương cường của giồng máu vương giả trong người La Hầu La mỗi ngày mỗi lạt phai và tánh tình lần lần trở nên ôn hoà nhu thuận.
Do Ngài nửa chừng chểnh mảng, được Đức Phật giáo huấn, Ngài liền phát thệ giữ nghiêm giới luật, dốc sức thực hành Đạo, sau này được ca ngợi là Mật hạnh đệ nhất, quả thực không phụ lòng phụ thân.
Mười vị Đại Đệ tử của Phật là 10 tấm gương sáng về các hạnh nguyện, đức tính và năng lực đặc biệt.